Hình ảnh tượng trưng Trư_Bát_Giới

Năm thầy trò Đường Tăng khi kết hợp lại là đại diện cho 1 người, trong đó Trư Bát Giới đại diện cho chữ Tình. Chữ Tình đại diện cho dục vọng, ham muốn của con người. Có thể thấy, trong con người Bát Giới sở hữu đầy đủ những tính cách thể hiện ham muốn của người như ham sắc, ham ăn, ham ngủ, lười biếng,... đến cái vũ khí của hắn cũng là cái bồ cào, cái vật dùng để gạt mọi thứ về phía mình, càng thể hiện rõ cái sự tham lam của Bát Giới. Và những ham muốn này cũng góp phần không nhỏ khiến cho con người ta sa ngã, đối nghịch với cái Tâm (Ngộ Không) hướng đến điều tốt đẹp. Cũng bởi vậy nên Ngộ Không với Bát Giới cãi nhau rất thường xuyên, và mỗi khi Đường Tăng nghe Bát Giới mà không nghe Ngộ Không, thì lại gặp yêu ma quỷ quái, yêu ma quỷ quái ở đây cũng đại diện cho sự sa ngã. Đặc biệt phải kể tới lần đánh Bạch Cốt Tinh, cũng tại Bát Giới khích đểu Ngộ Không, khiến cho Tam Tạng đuổi Ngộ Không, tức là con người mất đi cái Tâm và bị cái Tình chiếm đi lý chí, rồi lại bị yêu quái bắt.

Bát Giới thường được coi là trò cưng của Tam Tạng, tức là cái Thân luôn quý cái Tình. Tuy nhiên, trong những hồi cuối cùng của truyện, khi đã gần đến Linh Sơn, Tam Tạng đã nhiều lần mắng chửi, thậm chí là muốn đánh Bát Giới, không còn coi là "trò cưng" nữa, chi tiết này cũng rất được nhấn mạnh. Từ đó có thể cho thấy, muốn tu hành thành công thì phải dứt được cái Tình.

Cái Tình không được chú trọng ở Phật Giáo (tình ở đây không phải nói về tình cảm nhân hậu, điều này nhà Phật rất coi trọng, đây là chỉ những cái ham muốn ở trên), do đó đến cuối cùng, Trư Ngộ Năng chỉ được xét công phò giá Đường Tăng, không được phong tước Phật, chỉ được làm Sứ Giả.